Tin tức / Thông tin về sản phẩm
26 Tháng Mười Một, 2024

CÓ BAO NHIÊU LOẠI KEO ĐƯỢC ÁP DỤNG TRONG SẢN XUẤT VÁN ÉP? SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁC LOẠI KEO?

Keo là yếu tố quan trọng trong sản xuất ván ép, đóng vai trò quyết định độ bền, khả năng chịu lực và tính ổn định của sản phẩm. Không chỉ liên kết các lớp gỗ, keo còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chống ẩm, chống nước và thậm chí đến ngoại hình của ván ép. Với sự đa dạng về yêu cầu sử dụng ván ép cho các sản phẩm nội thất, công trình xây dựng và đồ ngoại thất, có ba loại keo chủ yếu được sử dụng trong ngành sản xuất ván ép công nghiệp: Urea Formaldehyde (UF), Melamine Formaldehyde (MF), và Phenol Formaldehyde (PF). Mỗi loại keo này đều có những đặc điểm khác biệt, mang đến các tính năng riêng biệt cho sản phẩm ván ép. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các loại keo này và những điểm khác biệt nổi bật giữa chúng.

1. Keo Urea Formaldehyde (UF)

Keo UF là chất keo tổng hợp tạo ra từ phản ứng giữa ure và formalin (nước + 37% formaldehyde) ở nhiệt độ thích hợp. Trong quá trình phản ứng có sử dụng NaOH 10% và CH3COOH. Sản phẩm U-F thường được dùng trong ngành ván gỗ ép như là chất kết dính. Có nhiều loại keo UF như các loại keo E0, E1, E2 dựa trên nồng độ phát thải Formaldehyde, trong đó keo E2 và keo nước hỗn hợp được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.

Ứng dụng: UF được sử dụng nhiều cho các sản phẩm ván ép nội thất, như ván ép dùng trong môi trường khô ráo, không tiếp xúc với nước hoặc ẩm. Vì khả năng chống ẩm kém, keo UF không phù hợp cho các sản phẩm tiếp xúc với môi trường ngoài trời hoặc có độ ẩm cao, như phòng tắm hoặc khu vực nhà bếp.

Ưu điểm và hạn chế: Keo UF có ưu điểm là giá thành rẻ, khả năng kết dính cao, phù hợp cho sản xuất đại trà và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, loại keo này không có khả năng chống nước, khiến cho sản phẩm dễ bị tách lớp, cong vênh khi tiếp xúc với ẩm ướt. Lượng phát thải Formaldehyde mặc dù ở ngưỡng cho phép nhưng được cho là sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

2. Keo Melamine Urea Formaldehyde (MUF)

Melamine Urae Formaldehyde (MUF) loại keo rất phổ biến ở Việt Nam. Về cơ bản, keo MUF được sản xuất giống như keo UF, trải qua quá trình phản ứng nhiệt giữa Formalin và Urê dưới sự xúc tác / ức chế của Axit Formic và Natri hydroxit. Sự khác nhau giữa keo MUF và UF là trong quá trình phản ứng của keo MUF có sự tham gia của melamine – 1 hợp chất hữu cơ ít tan trong nước.

Keo MUF có đa dạng các loại từ loại E0 đến loại E2 phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tùy thuộc vào phần trăm melamine trong keo mà tính chất của keo cũng khác nhau. Phần trăm melamine càng nhiều thì chất lượng ván ép chịu nước càng tăng. Mức độ chống nước tối đa là 20 giờ đun sôi.

 

Ứng dụng: Keo MUF phù hợp cho các sản phẩm ván ép nội thất thường xuyên tiếp xúc với độ ẩm, như tủ bếp, nội thất phòng tắm và các sản phẩm đặt ở khu vực gần nguồn nước. Khả năng chống ẩm vừa phải của keo MF khiến nó được sử dụng nhiều trong các không gian nội thất đòi hỏi độ bền cao hơn so với UF. Bên cạnh đó người ta còn sử dụng keo MUF để sản xuất các dòng ván ép khác như LVL, phủ phim,…

Ưu điểm và hạn chế: Keo MUF có khả năng kết dính và chịu nước tốt hơn so với UF, giúp tăng tuổi thọ sản phẩm trong môi trường ẩm vừa phải. Các sản phẩm ván ép bằng keo Melamine cũng hạn chế tình trạng bong tách các lớp độn so với keo UF. Tuy nhiên, keo MUF có giá thành cao, khi đưa vào sản xuất có yêu cầu sấy độn cũng như yêu cầu kỹ thuật của công nhân.

3. Keo Phenol-Formaldehyde (PF)

Keo PF là loại keo nhiệt dẻo đặc biệt kết hợp từ Phenol và Formaldehyde sử dụng trong ngành công nghiệp gỗ. Do các liên kết đặc biệt giữa những phân tử Phenol và Formaldehyde trong môi trường baze của phản ứng nhiệt tạo nên những chuỗi liên rất chặt chẽ bền vững.

Ứng dụng: Keo PF là loại keo đạt chất lượng BWP lý tưởng cho các sản phẩm ván ép ngoài trời, công trình xây dựng và đồ nội thất đặt ở môi trường có độ ẩm cao như bến cảng, nhà máy hoặc các công trình xây dựng cần độ bền cao. Khả năng chống nước và chịu nhiệt của PF giúp sản phẩm ván ép không bị tách lớp hoặc biến dạng trong môi trường khắc nghiệt. Khả năng chịu đun sôi trong nước của ván ép dùng loại keo này có thể lên tới 100 giờ mà không bị bong tách.

Ưu điểm và hạn chế: Ván ép dùng keo PF có khả năng chịu lực, chịu nước và chịu nhiệt xuất sắc, giúp sản phẩm có tuổi thọ lâu dài kể cả ở trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Thời gian đông kết nhanh giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy vậy, nguồn nguyên liệu để sản xuất keo Phenol tại Việt Nam không thực sự phổ biến nên giá thành sản xuất của keo PF cũng cao hơn nhiều so với những loại keo khác. Hỗn hợp keo Phenol có màu nâu nên đôi khi sẽ làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ của tấm ván ép.

Tổng kết
Trong sản xuất ván ép công nghiệp, việc lựa chọn keo không chỉ ảnh hưởng đến độ bền và tính ổn định của sản phẩm mà còn quyết định nhiều tính năng quan trọng như khả năng kháng nước, chống ẩm, và chịu nhiệt.

Sự hiểu biết về tính chất của từng loại keo giúp các nhà sản xuất chọn đúng vật liệu kết dính để tối ưu hóa chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần lưu ý đến tính năng này để đảm bảo rằng sản phẩm ván ép sẽ phục vụ tốt nhất cho môi trường và nhu cầu sử dụng của họ. Với lựa chọn keo phù hợp, các sản phẩm ván ép có thể bền bỉ với thời gian và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của cả công trình ngoài trời và nội thất trong nhà, tạo nên những giá trị thẩm mỹ và kỹ thuật vững chắc cho không gian sống và làm việc.